Hoa đỗ quyên được biết đến là quốc hoa của đất nước Nepal xinh đẹp. Hoa mang vẻ đẹp đầy thu hút với đa dạng các màu sắc khác nhau do đó mà chúng được nhiều người yêu thích và say đắm. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu chi tiết về loài hoa này, hãy cùng theo dõi nhé!
1. Giới thiệu cây đỗ quyên
Cây hoa đỗ quyên thường được gọi với nhiều tên khác nhau như: sơn hoa trà, sơn thạch lựu, mãn sơn hồng,... Có tên khoa học là Rhododendron Tanastylum Balf ( Tên tiếng Anh là Rhododendron, tên tiếng Pháp là Rhododendron d’Indie, tên tiếng Trung là báo xuân hoa, thanh minh hoa, ánh sơn hồng,...). Cây thuộc họ thực vật: Họ thạch nam (Ericaceae), Là thực vật thân bụi có kích thước lớn, đỗ quyên khá hiếm và đặc biệt so với những loại cây bụi khác. Loại cây nhỏ nhất cũng đã có thể cao đến 100cm. Những cây lớn mọc trong tự nhiên cao nhất lên tới 30m.
Đỗ quyên là quốc hoa của đất nước Nepal, loài hoa này có nguồn gốc từ vùng đất ôn đới. Phạm vi xuất hiện của đỗ quyên rất rộng lớn và đa dạng. Trừ những vùng khô hạn khắc nghiệt, đỗ quyên có mặt tại đa số vùng thuộc Bắc bán cầu. Nó mọc trải dài xuống đến Nam bán cầu ở khu vực Đông Nam Á và Bắc châu Đại Dương. Hoa đỗ quyên ngủ đông được nên có thể mọc được tại những vùng khí hậu lạnh giá và khắc nghiệt.
Các vùng thuộc dãy Himalaya và Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan là có sự đa dạng loài cao nhất. Hoa đỗ quyên Hàn Quốc thường là loại thích hợp khí hậu lạnh và ôn đới. Những cây hoa đỗ quyên nhiệt đới lại tập chung ở bắc Australasia và Đông Nam Á. Cây xuất hiện tại Việt Nam ở vùng Sapa, Đà Lạt, Tam Đảo và dãy Bạch Mã.
* Sự tích của cây hoa đỗ quyên
Có thể bạn chưa biết, ẩn chứa đằng sau vẻ đẹp thanh thoát của hoa đỗ quyên là một sự tích vô cùng cảm động. Xưa có một đôi vợ chồng nghèo sống hạnh phúc, yêu thương nhau trong một ngôi làng nhỏ. Người chồng thường xuyên vào rừng sâu săn bắn, đốn củi. Nhưng bỗng một hôm đợi mãi chẳng thấy chồng quay về, người vợ cứ ngóng dáng chồng mỗi ngày sau buổi hoàng hôn.
Thời gian trôi qua một tháng, hai tháng, ba tháng vẫn chẳng thấy tin tức gì. Người vợ quyết định khăn gói lên đường đi tìm chồng. Buổi sáng người vợ đi tìm chồng, buổi chiều cùng ngày hôm đó người chồng đã quay về.
Người vợ cứ đi mãi từ ngày này qua ngày khác đến khi gục ngã và trút hơi thở cuối cùng bên tảng đá. Nơi tảng đá người vợ chết mọc lên một loài cây nở hoa rất đẹp mỗi khi xuân về. Khi hồn của người vợ về trời gặp Ông Tiên, Ông hỏi “ Vì sao con lại ngã chết trong rừng sâu như thế?”. Người vợ thuật lại việc đi tìm chồng mình vì vậy Ông đặt tên cho loài hoa kia là hoa Đỗ.
Nhắc đến người chồng đã trở về nhà nhưng chẳng thấy vợ đâu. Anh hỏi những người xung quanh thì được biết vợ đã đi vào rừng sâu tìm mình. Người chồng cũng khăn gói lên đường tìm vợ, tìm mãi đến khi kiệt sức chết đúng trên tảng đá mà người vợ đã chết trước kia. Người chồng hoá kiếp thành một loài chim sống đơn độc một mình và đặt biệt cất tiếng hót khi trời đã hoàng hôn. Tiếng hót của loài chim ấy tựa như tiếng kêu than, tuyệt vọng. Ông Tiên chứng kiến tình yêu của đôi vợ chồng này và đặt tên cho loài chim này là chim Quyên (Quyên đọc lái đi là Quên).
Không biết từ bao giờ loài hoa đẹp kia cũng được gọi là hoa Đỗ Quyên để tưởng nhớ cho mối tình chung thuỷ, sắc son của hai vợ chồng.
2. Đặc điểm cây đỗ quyên
2.1. Đặc điểm hình thái
Hình dáng: Cây hoa đỗ quyên thuộc loại cây thân gỗ, khẳng khiu, sống lâu năm, có độ cao khoảng chừng từ 3 đến 5m. Cây có dáng phong trần, vỏ cứng và sần sùi.
Lá của loài đỗ quyên thường nhỏ, thon dài và nhọn ở hai đầu, lá mọc cách hoặc có loại mọc so le. Có loại lá lớn hơn dày và bóng, cả hai mặt lá đều có lông mềm phủ dày đặc. Lá thường rụng vào mùa đông, sang xuân là lúc đâm chồi nảy lộc và chuẩn bị ra hoa vụ mới.
Lá hoa đỗ quyên rừng có kích thước dao động cũng rất lớn từ 2cm ở cây nhỏ cho tới 50cm ở các loài lớn. Tùy từng loài mà cây hoa đỗ quyên sẽ rụng lá hàng năm hoặc xanh tốt qua nhiều năm. Lá cây sinh trưởng tại vùng núi nhỏ hơn do ít nước so với những cây vùng đồng bằng.
Hoa đỗ quyên có nhiều hình dạng khác nhau chủ yếu mọc ở đầu cành. Có loại hoa hình chuông, hình phễu và có loại cánh đơn, cánh kép giống như hoa hồng nhưng cánh xoăn. Hoa thường rất đa dạng về màu sắc: Đỏ, hồng, tím, vàng, trắng. Hương thơm của hoa rất quyến rũ thu hút con người và cả ong bướm. Chính vì vậy nó thường được trưng bày trong các dịp lễ Tết, cưới hỏi và là một trong những nốt hương quan trọng trong ngành công nghiệp điều chế nước hoa. Thời gian hoa nở cũng không quá ngắn, mỗi năm cây nở hoa hai tháng đủ cho người trồng thưởng thức. Hoa đỗ quyên rừng mọc sát với nhau thành một thảm hoa nhìn rất đẹp.
2.2. Đặc điểm sinh trưởng
Là loài hoa đẹp nên không ít người muốn trồng đỗ quyên tại nhà để chơi và thưởng thức. Kỹ thuật trồng hoa đỗ quyên khá đơn giản nên người không chuyên cũng có thể thử sức mà tỉ lệ sống của cây vẫn cao nếu làm đúng. Đất trồng cây tốt nhất là loại đất hơi chua nhưng nhiều dưỡng chất. Cây không chịu được đất có độ kiềm cao và thoát nước kém. Nên chọn đất tơi xốp để rễ cây nhanh phát triển và ít bị ngập úng.
Thường người ta chủ yếu trồng hoa đỗ quyên trong chậu để tiện chăm sóc và di chuyển. Vì rễ cây mọc theo chiều ngang nhiều chứ không đâm sâu vào đất nên cũng cần loại chậu phù hợp. Chậu trồng cây cần có đủ không gian cho rễ phát triển, không cần quá sâu nhưng độ rộng phải đảm bảo. Có thể chọn một trong những cách trồng là gieo hạt, giâm cành hoặc chiết cành để trồng cây. Trong đó giâm và chiết cành là cách đơn giản và nở hoa nhanh hơn cả. Lưu ý chọn cành giống phải phát triển khỏe mạnh và đầy đủ, không nhiễm sâu bệnh. Cành giống có tốt thì tỉ lệ cây con sống sót và phát triển mới cao.
2.3. Các loại cây hoa đỗ quyên
2.3.1 Cây hoa đỗ quyên vàng
Là một trong những loại hoa phổ biến trong chi Đỗ Quyên, đỗ quyên vàng xuất hiện nhiều tại các vùng Đông Nam châu Âu và Tây nam châu Á. Thông thường cây cao khoảng 3-4m và mọc thành bụi.
Đỗ quyên vàng là cây rụng lá theo mùa, cánh hoa có đặc điểm chung của chi này. Đúng như tên gọi của nó, cây nở những bông hoa to, màu vàng sáng bắt mắt người nhìn. Dáng cây khá đẹp lại tự mang hương thơm nên cây được trồng làm cảnh là chủ yếu.
2.3.2 Cây hoa đỗ quyên đỏ
Hoa đỗ quyên đỏ được biết đến nhiều hơn đa số các cây khác cùng chi. Thường cây được trồng trong chậu với mục đích trang trí, cao khoảng 40cm trung bình. Đây là cây hoa có tuổi thọ cao lại nở hoa đẹp nên được không ít người ưa trồng.
Đỗ quyên hoa đỏ có nguồn gốc từ các vùng ôn đới. vì vậy tại nước ta cây thường được trồng nhiều tại các khu vực miền núi, Đà Lạt và các tỉnh thuộc miền Bắc. Hoa mọc chùm với màu đỏ rực rỡ thu hút người thưởng thức. Màu đỏ lại là màu may mắn nên đây cũng là loại cây mang lại may mắn cho người trồng.
2.3.3 Cây hoa đỗ quyên tím
Đỗ quyên tím mang một sắc tím ma mị và huyền bí hấp dẫn đến lạ. Những bông hoa nở bung với màu tím như một kỳ quan giữa cánh rừng xanh ngát. Giữa hoa mọc lên những nhụy dài hơi cong càng tô điểm cho sự mỹ miều của loài hoa đỗ quyên tím.
Nước ta cũng trồng loại hoa này ở một số nơi để trang trí và làm cảnh. Màu hoa của cây gợi cho con người một cảm giác huyền bí và tinh tế như một người phụ nữ hấp dẫn và đầy bí ẩn.
2.3.4 Cây hoa đỗ quyên trắng
Đỗ quyên trắng ở nước ta được trồng trong chậu trang trí là phổ biến. Cả cây và chậu có thể dễ dàng bê và di chuyển bằng hai tay tiện dụng nên được dùng nhiều làm quà tặng. Cây có lá màu xanh đậm cùng những bông hoa trắng tinh khiết tạo nên một vẻ đẹp tinh tế và không kém phần sang trọng.
So với những loại hoa cùng chi, đỗ quyên trắng hơi nhỏ hơn một chút. Phần nhụy hoa vàng nâu kết hợp với cánh hoa trắng có tính thẩm mỹ khá cao. Có thể tìm thấy cây này tại các vùng Sapa, Đà Lạt hay tam đảo tại nước ta. Đặc biệt hoa đỗ quyên Đà Lạt là đẹp và nở to nhất.
3. Công dụng của cây
3.1. Tác dụng trong trang trí, làm cảnh
Cây hoa đỗ quyên có thân cành mềm dẻo, dáng mỏng manh, hoa to đẹp và nhiều màu sắc. Có thể dùng để uốn nắn làm cây Bonsai nghệ thuật rất đẹp mắt và có giá trị thương phẩm khá cao đặc biệt là cây cổ thụ.
Cây đỗ quyên cũng được trồng để trang trí nội thất và ngoại thất, trang trí sân vườn tô điểm thêm cho không gian luôn rực rỡ thu hút được nhiều người chiêm ngưỡng.
3.2. Tác dụng chữa bệnh
Cây đỗ quyên cũng là một vị thuốc đông y chữa bệnh có hiệu quả khá tốt, các bộ phận thường dùng là hoa, lá và rễ. Theo đông y, rễ và hoa đỗ quyên có tính ôn, vị đắng thường dùng để chữa trị một số bệnh đường hô hấp như (Viêm phế quản), bệnh tim mạch, dị ứng ngoài da…
Tuy nhiên, đỗ quyên cũng có độc tính khá mạnh, nếu dùng quá liều sẽ xảy ra tác dụng phụ đó là Shock gây tình trạng loạn nhịp tim, tụt huyết áp, mạch nhanh rồi sau yếu dần…Vì vậy cần dùng đúng chỉ định.
Một số bài thuốc có Đỗ Quyên:
-
Chữa đau dây thần kinh tọa: Rễ Đỗ Quyên 3g; Thổ ngưu tất 60g; Uy linh tiên 30g; Rễ lục nguyệt sương 30g. Sắc uống nhiều ngày. Ngày uống 1 thang chia làm 2 phần. Uống ấm nóng, sau khi ăn, có thể ngâm rượu. Uống 1 ly nhỏ trước khi ăn. Ngày 2 lần vào bữa ăn chính.
-
Chữa bệnh tim mạch có rối loạn vi tuần hoàn: Hoa Đỗ Quyên 10mg; đương quy 0,4mg; xuyên khung 0,2mg; sinh thảo 0,162mg. Chế thành dung dịch tiêm 2ml; tiêm bắp thịt (Trung Quốc trung y mật phương đại hoàng).
-
Chữa bệnh thấp tý, đau khớp xương, vận động khó khăn: Hoa Đỗ Quyên tươi 12g; rễ kim anh 3g; rửa sạch ngâm 1 lít rượu trắng 40o trong vòng 1 tháng. Chỉ sử dụng cho người lớn. Trẻ em không được dùng. Liều trung bình: uống 1 lần vào buổi tối trước khi ngủ từ 15 – 20ml. Đối với bệnh nhân suy nhược cơ thể: 10 – 15ml/lần
-
Chữa chứng rụng tóc: Hoa Đỗ Quyên 15g; cốt toái bổ 15g; xuyên hoa tiên 30g; cao lương 25g; ngâm với 1 lít rượu trong 7 ngày. Khi dùng lắc đều, dùng que bông thấm tẩm vào rượu rồi bôi xát vào vùng tóc rụng. Trước khi bôi rượu hãy dùng 1 lát gừng tươi chà xát vào da đầu cho đến khi da có cảm giác đau.
3.3. Tác dụng khác
Hoa đỗ quyên là loài hoa mang ý nghĩa cho tình yêu sâu đậm. Do đó, nếu tặng cho người yêu (bạn gái) hoặc vợ những bông hoa vào dịp kỷ niệm ngày cưới, ngày lễ tình yêu thì thật tuyệt vời. Hoa giúp gắn kết tình cảm, nối dài hạnh phúc đến hết quãng đời còn lại.
Ngoài ra, cũng có thể kết những bông hoa đỗ quyên thành bó hoa cưới làm cho giúp cho tình cảm vợ chồng mãi luôn mặn nồng.
Những cây đỗ quyên ngắn với kích thước nhỏ trồng trong chậu có thể dùng như một loại quà tặng. Tùy vào từng loại hoa mà món quà sẽ đại diện cho những ý nghĩa khác nhau. Hoa trồng chậu cũng có thể đặt trang trí tại ban công, bàn ăn hay trồng trước nhà khá đẹp.
4. Ý nghĩa của cây đỗ quyên
4.1. Trong trồng trọt
Đem lại giá trị kinh tế cao cho người mua bán cây hoa đỗ quyên. Vì đây là loại cây hoa cảnh đẹp, lại nhiều lợi ích, giá cả thì đa dạng phù hợp với mọi nhà nên khi kinh doanh loại cây này sẽ mang lại thu nhập cao.
4.2. Ý nghĩa phong thủy
Trong phong thủy, hoa đỗ quyên có tác dụng giải những luồng khí xấu, mang đến luồng sinh khí mới và may mắn cho gia chủ. Vì vậy hoa đỗ quyên không chỉ được trưng bày trong ngày tết mà còn được trồng và trang trí trong gia đình.
Bên cạnh đó, hoa đỗ quyên còn mang những ý nghĩa khác như ra đi là để trở về, giữ gìn sức khỏe, chăm sóc tốt cho mọi người xung quanh, vẻ đẹp nữ tính và thông minh, sự thanh lịch và giàu có, sự mong manh hay đam mê đang phát triển,...
-
Tượng trưng cho sự may mắn và sung túc: Đỗ Quyên chính là loài hoa tượng trưng cho sự may mắn, sang trọng và giàu có. Chính vì vậy trong mỗi dịp năm mới, nhiều gia đình lựa chọn cho mình một chậu hoa Đỗ Quyên để trang trí trong nhà và thể hiện mong ước về một năm mới may mắn, tốt lành.
-
Tượng trưng cho nỗi nhớ quê: Hoa Đỗ Quyên cũng thường dùng để thể hiện nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình đối với những người xa xứ.
-
Mang ý nghĩa bạn hãy chăm sóc tốt cho bản thân và gia đình: Nếu ai đó tặng cho bạn một chậu hoa Đỗ Quyên tức là họ đang nhắn nhủ bạn hãy nhớ chăm sóc cho bản thân và cả gia đình.
-
Sự cân bằng trong cảm xúc: Hoa Đỗ Quyên còn được dùng để nói lên sự cân bằng trong cảm xúc. Vì vậy, loài hoa này cũng thường được dùng để chỉ những người luôn biết cách che giấu cảm xúc, tình cảm của bản thân.
-
Mang ý nghĩa niềm đam mê: Hoa Đỗ Quyên có nhiều màu sắc, và đa phần đều là những màu nổi bật, rực rỡ. Vì vậy, Đỗ Quyên còn được cho là loài hoa của sự đam mê, nhiệt huyết.
-
Mang vẻ đẹp nữ tính và trí tuệ: Đối với người Trung Quốc và Nhật Bản, hoa đỗ quyên là loài hoa tượng trưng cho những cô gái thông minh, xinh đẹp, dịu dàng và đầy nữ tính.
4.3. Ý nghĩa Cây hoa đỗ quyên theo màu sắc
- Hoa đỗ quyên đỏ, hồng đậm: Tượng trưng cho sự lãng mạn và đam mê trong tình yêu.
- Hoa đỗ quyên trắng: Tượng trưng cho sự thuần khiết, kiềm chế và thanh lịch.
- Hoa đỗ quyên tím và hồng nhạt: sự vui vẻ, thân thiện và hòa đồng. Không đề cao cá nhân.
- Hoa đỗ quyên vàng: Tượng trưng cho tình bạn và tình cảm gia đình.
5. Kỹ thuật trồng cây hoa đỗ quyên
-
. Chọn giống
Để nhân giống hoa đỗ quyên người ta thường dùng các phương pháp giâm cành, gieo hạt và chiết. Đối với giâm cành có thể tiến hành vào tháng 5 hoặc tháng 10, chiết vào tháng 4 – 5, còn gieo hạt thì vào vụ xuân. Phương pháp giâm và chiết thì nhanh cho cây thành phẩm hơn so với gieo hạt. Khi nhân giống bằng cách giâm cành và chiết cành nên cần lựa chọn những cành to vừa phải và khỏe mạnh. Nếu chiết cành to quá hoặc non quá sẽ ra rễ kém hoặc không ra rễ.
5.2. Các phương pháp nhân giống
Phương pháp nhân giống Hoa Đỗ quyên: Sử dụng phương pháp giâm, chôn cành, ghép, gieo hạt…
-
Giâm cành: Thông thường tiến hành vào tháng 5-6 dùng cành ra trong năm, cắt thành đoạn dài 10-12cm, sau đó cắt bỏ những lá ở phía dưới, giâm vào trong cát nhỏ đãi rửa sạch, cắm sâu 1/2-1/3 cành, giâm xong tưới nước, đặt ở dưới bạt che râm, không được để chỗ có ánh nắng chiếu trực tiếp, về sau thường xuyên phun nước, duy trì độ ẩm cho chậu giâm, sau 2 tháng cành giâm bắt đầu mọc rễ, đến mùa đông thì bắt đầu chuyển vào trong nhà kính, đến năm thứ 2 thì có thể đánh đi trồng.
-
Ghép cây: Mục đích của phương pháp này đó là gây giống có chất lượng tốt nhanh, khiến một cây có nhiều giống, hình dạng cây đẹp, hoa nhiều màu sắc phong phú. Cành ghép có thể sử dụng cành 1-2 năm tuổi, cũng có thể sử dụng được cành non, gốc ghép có thể sử dụng các phẩm giống Hoa Đỗ quyên tốt, dây buộc khi ghép sử dụng dây ni lông, hoặc túi bóng, sau khi ghép xong dùng túi ni lông trùm vào chỗ miệng ghép và buộc chặt, để tránh miệng ghép bốc hơi dẫn đến khô, khoảng 50-60 ngày sau thì gỡ túi bóng ra, thường xuyên phun nước lên mặt lá, đảm bảo cành ghép sẽ sống
-
Phương pháp chôn cành, phương pháp gieo hạt đều là những phương pháp lên chậm. Hơn nữa để có được giống mới, cần phải tiến hành tạp giao giống. Cây trồng bằng phương pháp gieo hạt cần phải mất 4 năm mới ra hoa.
5.3. Quá trình trồng
-
Thời vụ trồng: Đối với giâm cành có thể tiến hành vào tháng 5 hoặc tháng 10, chiết vào tháng 4 – 5, còn gieo hạt thì vào vụ xuân.
-
Chuẩn bị đất trồng: Trước khi trồng cây nên tiến hành cải tạo đất, làm cho đất tơi xốp, tăng độ mềm, bổ sung phân ủ, rêu, than bùn để đất có nhiều chất dinh dưỡng nuôi cây. Đất trồng cây là loại đất tốt, giàu mùn, ẩm và có tính axit nhẹ để thích hợp với những tập tính của loài cây này.
Nếu có đất vườn trồng nhưng nghèo dinh dưỡng có thể cải tạo theo cách sau:
+ Dùng vôi bột rắc khử trùng đất.
+ Ủ các loại phân bò, trâu + rơm rạ + Phân vi sinh + Nấm Trichoderma ủ trong khoảng 6 tháng rồi đảo lên cho nguội phân và đem lót hố trồng cây đỗ quyên.
+ Cuốc hố với kích thước 30 x 30 x 30cm, lót hỗn hợp phân kể trên để ải đất trong vòng 1 tháng rồi mới trồng.
+ Đối với cách trồng cây đỗ quyên bằng cành giâm hay cành chiết đều tiến hành các bước giống nhau. Cuốc hố nhỏ vừa đủ bầu cây, đặt cành xuống, vùi đất không quá mặt bầu 4cm rồi nén chặt. Có thể dùng cọc cố định cành lại nếu như trồng ở nơi thoáng gió.
6. Kỹ thuật chăm sóc cây đỗ quyên
- Ánh sáng: Các loài hoa đỗ quyên thường ưa nửa bóng, cây kỵ chiếu sáng mạnh và ánh sáng trực tiếp. Vì vậy, mùa chiếu sáng mạnh thì nên đưa cây vào nơi râm mát để chăm sóc. Các chủng loại hoa đỗ quyên khác nhau thì có sức đề kháng với ánh sáng cũng khác nhau.
- Nhiệt độ: Là loài ưa mát, không thích hợp với môi trường ánh sáng, nhiệt độ cao. Nhiệt độ thích hợp của cây từ 15-250C.
- Tưới nước: Bộ rễ Đỗ quyên rất phát triển nhưng rễ bé và rất nhạy cảm với nước, vừa sợ hạn vừa sợ úng. Đỗ quyên ưa nước hơi chua, nếu như tưới nước kiềm và hơi kiềm thì sẽ làm cho đất chua trở nên kiềm, gây ảnh hưởng đến cây .Để tăng độ chua cho nước có thể pha thêm sufat sắt hoặc dấm ăn vào nước tưới.
- Độ ẩm: Độ ẩm không khí cũng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của Đỗ quyên. Độ ẩm thích hợp từ 70 – 90%…
- Phân bón: Trong quá trình sinh trưởng và phát triển của mình, Đỗ quyên cần được đáp ứng đủ các loại dinh dưỡng từ đa lượng đến vi lượng. Ở mỗi thời kỳ sinh trưởng nhu cầu về phân bón khác nhau. Để cây phát triển cành nhánh trong giai đoạn đầu hoặc phục hồi cây sau khi hoa tàn ta nên sử dụng phân Better NPK 16-12-8-11+TE, giai đoạn hình thành nụ, ra hoa và dưỡng hoa ta sử dụng NPK 12-12-17-9+TE. Cây 4-5 năm thì mỗi lần bón 10-20g/cây; cây 6-7 năm thì mỗi lần bón 20-40g/cây. Mỗi năm cần bón thêm phân Better hữu cơ sinh học HG01 để tăng lượng mùn trong đất giúp bộ rễ phát triển tốt, lượng bón từ 0.2-0.5kg/ chậu tùy vào kích thước cây.
- Cắt tỉa cành và tạo tán cho cây: Cắt tỉa cành là việc cần làm đối với bất cứ cây trồng nào, điều đó giúp thoáng cây cây hạn chế được sâu bệnh hại, giúp tạo tán cho cây đẹp như ý muốn. Thời gian thích hợp để cắt tỉa là lúc sau khi hoa tàn kéo dài đến khi chuẩn bị ra hoa vụ mới.
- Sâu bệnh: Hoa đỗ quyên nở rộ với màu sắc rực rỡ là điểm thu hút sâu, côn trùng tới quấn phá. Nhện đỏ, rệp ống hai loại sâu bệnh điển hình hại hoa, nên phải dùng thuốc trừ sâu để diệt trừ. Bên cạnh đó cũng có một số bệnh gây hại cho cây như bệnh thối rễ, bệnh đốm nâu và bệnh vàng lá cần hết sức lưu ý tiêu diệt sớm.
7. Các bệnh thường gặp và cách phòng trừ
- Nhện đỏ gây hại chủ yếu trên hoa: Có thể dùng loại thuốc như DDVP 0,1% phun trừ hoặc dùng nước ngâm lá trúc đào pha loãng để phun
- Nhện râu ngắn gây hại trên lá, cành non: Bệnh này phát sinh mạnh vào mùa hè. Bạn có thể dùng Sumithion 0,2% để phun cho cây
- Rệp ống gây hại trên lá, cành non và hoa: Đối với loại bệnh này cần chú ý việc diệt trứng của chúng, bạn có thể sử dụng hợp chất lưu huỳnh vôi 5% hoặc có thể dùng thuốc Rogor 0,1%.
- Bệnh lá vàng: Thường xuất hiện ở cây trồng trên đất kiềm do thiếu sắt. Với loại bệnh này thì bạn chỉ cần bổ sung thêm sắt sunfat là được theo hình thức tưới hoặc phun.