Tóm tắt nội dung [Ẩn]
Nếu có dịp ghé qua Lăng Bác, hẳn là loài cây này sẽ khiến bạn ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên, đó là cây bụt mọc. Với hình dáng lạ lùng nhưng nổi bật, giống cây này trông vừa có nét độc đáo, vừa thể hiện vẻ uy nghiêm ở nơi đây. Có lẽ bạn chưa biết, đằng sau cây bụt mọc là một câu chuyện khá thú vị!
-
Một vài thông tin về cây bụt mọc
Cây bụt mọc có tên khoa học là Taxodium distichum, thuộc họ Hoàng Đàn. Chúng phân bố chủ yếu ở vùng đông nam Hoa Kỳ, từ Delaware cho tới Texas kéo dài cho tới tận con sông Mississippi và miền nam Indiana. Giống cây lạ mắt này hiện có 3 loại:
Bụt mọc Taxodium distichum: sinh sống và phát triển tại những nơi có lượng đất phù sa màu mỡ do bị ngập lụt.
Bụt mọc ao Taxodium ascendens: sinh trưởng tốt tại ao hồ và đầm lầy, nơi có các dòng nước đen chảy chậm không có trầm tích ngập lụt của đất phù sa màu mỡ. Hiện loại này đã được phân bố chủ yếu tại Việt Nam và cũng là loại mọc tại ao cá trong Lăng Bác.
Bụt mọc Montezuma: loại cây này mọc trải dài từ khu vực Montezuma - Rio Grande đến khu vực miền nam Mexico và có sự khác biệt với hai giống cây trên. Loại cây này cao 43cm và cây thường xanh, thường mọc ven bờ sông, suối. Gỗ của loại bụt mọc này chống được mối mọt nhưng lại không có giá trị cao do một loại nấm ký sinh Stereum taxodii thường làm cho cây bị rỗng ruột.
Cây bụt mọc lớn có thể cao từ 40-50m, rụng lá cùng với cành, cành nhánh xòe rộng và có hình trụ tròn. Thân cây có màu nâu nhạt và có vết nứt rạn, lá hình dải và mọc so le nhau, xếp thành 2 dãy trên một mặt phẳng. Rễ của cây nổi rõ trên mặt đất. Nón bụt mọc đực cụm thành chuỳ ở đầu cành; nón cái mọc riêng lẻ ở đầu những cành hai năm. Nón quả hình cầu hay hình trứng dài 20-35mm; vẩy nón quả dày, hoá gỗ, hình khiên, lá bắc không rõ; mỗi vẩy mang hai hạt dẹp hình ba cạnh, có 3 cánh dày.
-
Câu chuyện đặc biệt đằng sau cây bụt mọc
Hình ảnh của cây bụt mọc gần như đã gắn liền với hình ảnh Bác Hồ, đây là loại cây có tính đặc thù trong Khu di tích Phủ chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuốn sách “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã viết về câu chuyện đầy ly kỳ của cây bụt mọc:
“Những lần đến thăm nhà sàn và ao cá Bác Hồ, nếu không được giới thiệu, chắc hẳn hầu hết mọi người sẽ ngạc nhiên trước những rễ cây lạ trồi cao khỏi mặt đất, tựa như những pho tượng Phật bằng gỗ mộc, kích thước to, nhỏ, cao thấp đa dạng, lô nhô xếp liền nhau quanh sườn bờ ao bên trái ngôi nhà sàn và gần chiếc cầu nhỏ uốn cong bắc qua ao cá, tạo ra một sự kỳ thú của cảnh quan tự nhiên.
Vì tất cả bộ rễ nhô lên khỏi mặt đất có hình tựa như hình ông bụt đứng dầm chân, soi gương bóng nước nên Bác Hồ đã đặt tên loài cây này là cây bụt mọc.
Sát bên đầu phía nam chiếc cầu nhỏ bắc qua ao cá cũng có một cây bụt mọc. Vào đầu năm 1965, anh em phục vụ phát hiện ra cây bụt mọc này bị mối xông đã hỏng đến quá nửa thân, sợ cây đổ bất ngờ gây nguy hiểm vì nó mọc ngay cạnh con đường nhỏ quanh ao cá mà hàng ngày Bác và mọi người thường qua lại, các đồng chí trong cơ quan quyết định chặt bỏ cây. Khi biết được ý định đó, Bác đã nói: “Chặt bỏ một cây hỏng thì dễ dàng thôi nhưng trồng được một cây mới thì rất khó. Bởi vậy các chú hãy tìm cách chữa cho cái cây bị mối xông đi đã”. Rồi Bác chỉ cho anh em một kinh nghiệm chữa cây bị mối xông như sau: Trước hết, cạo sạch phần thân cây bị mối xông, sau đó dùng vôi, rơm nhồi vào trong và cuối cùng dùng xi măng trát phía ngoài thân cây. Bác phân tích: Vôi có tác dụng chống mối và côn trùng xâm nhập; rơm tạo thành lớp mùn giúp cây phát triển bình thường; xi măng ngăn không cho nước ngấm vào thân cây thêm mục nát, đồng thời giữ cho thân cây cứng cáp. Anh em đã làm theo lời Bác và sau một thời gian, cây bụt mọc đã sống lại, không bị mối xông, phát triển tốt.
Chuyện về việc chữa cây bụt mọc qua đi tưởng như chỉ đơn giản có thế, nhưng sau này, trong buổi nói chuyện tại một Hội nghị Cán bộ quản lý, Bác Hồ đã kể lại câu chuyện chữa cây bụt mọc để nhắc nhở chung mọi người làm việc gì cũng phải suy xét cho kỹ, tìm phương pháp tối ưu để đạt kết quả tốt nhất, và Người kết luận rằng: “Việc quản lý, giáo dục, xem xét cán bộ cũng phải như vậy - đừng thấy cán bộ phạm khuyết điểm đã vội vã kết luận ngay và thi hành kỷ luật mà không cần suy xét gì. Đó là thói quan liêu. Trách nhiệm của người cán bộ quản lý là phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc cán bộ phạm khuyết điểm. Như vậy cán bộ mới trưởng thành, cán bộ quản lý mới làm tròn trách nhiệm của người lãnh đạo”.
Cây bụt mọc mang ý nghĩa đặc biệt trên đã bị đổ do cơn bão số 3, tháng 7 năm 1977, nay chỉ còn lại phần gốc cao tới 2 mét như bằng chứng của một kinh nghiệm quý báu mà Bác đã để lại cho chúng ta và một bài học mang giá trị thực tiễn lớn lao cho những người làm cán bộ quản lý.”
-
Công dụng của loài cây bụt mọc lạ mắt
Cây bụt mọc thường được trồng để làm cảnh, vỏ vụn của thân cây còn có tác dung làm màu mỡ đất đai, làm lớp phủ bồi trong nông nghiệp.
Trước đây, cây bụt mọc được sử dụng nhiều để làm ván ốp vì gỗ của chúng có tính chống mối mọt, tuy nhiên gỗ của cây bụt mọc không có giá trị lắm vì chúng thường bị một loại nấm ký sinh ăn rỗng ruột cây, do đó mà khả năng thu hoạch cũng không được tốt.
Ngoài ra, cây bụt mọc còn góp mặt trong y học, nón quả của cây có tính lợi tiểu và có thể sử dụng để trị bệnh thấp khớp.
Với đủ các loại hình thù uốn lượn trồi lên khỏi mặt đất, cây bụt mọc luôn đem lại cảm giác khá thú vị cho người ngắm. Nếu có dịp ghé thăm Lăng Bác, bạn hãy nhớ ghé thăm cả loài cây đặc biệt này nhé, có thể bạn sẽ biết được nhiều hơn về sự tích của nó đấy!